Giới thiệu

Đôi nét về bảo tàng tỉnh Nam Định

        Bảo tàng tỉnh Nam Định tiền thân là Phòng Bảo tàng thuộc Ty Văn hóa Nam Định được hình thành năm 1958. Ngày 21/6/1980, UBND tỉnh Hà Nam Ninh ra quyết định số 617/QĐ - TC thành lập Nhà Bảo tàng. Kể từ đây Bảo tàng tỉnh đã trở thành 1 thiết chế văn hóa, tọa lạc tại khu Hồ truyền thống, thành phố Nam Định. Trải qua các giai đoạn lịch sử, Bảo tàng đã nhiều lần chia tách, sáp nhập, thay đổi tên gọi theo địa danh tỉnh từ Bảo tàng Hà Nam Ninh đến Bảo tàng Nam Hà và hiện nay là Bảo tàng tỉnh Nam Định. Qua 60 năm xây dựng và phát triển, Bảo tàng đã nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản được hơn 21.000 tài liệu, hiện vật, trong đó có 4 bảo vật quốc gia và nhiều bộ sưu tập độc đáo, quý hiếm phản ánh khá toàn diện về các lĩnh vực tự nhiên, xã hội của địa phương. Đây thực sự là những tài sản vô giá, những minh chứng xác thực về lịch sử, văn hoá của tỉnh Nam Định - một vùng quê văn hiến và cách mạng.
        Năm 2005, UBND tỉnh Nam Định ban hành Quyết định số 1272/QĐ-UBND phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng Bảo tàng tỉnh tại Trung tâm Thông tin Triển lãm, đường Hà Huy Tập, thành phố Nam Định. Đây là khu vực thuộc không gian Thành cổ Nam Định và cũng là nơi cách đây gần 50 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xem trưng bày thành tựu kinh tế - xã hội của tỉnh Nam Định.Năm 2009, dự án đầu tư xây dựng Bảo tàng tỉnh được hoàn thiện. Công trình toạ lạc trong không gian của Thành cổ Nam Định, có tổng diện tích mặt bằng 9.403 m2, quy mô xây dựng 5.250 m2, với hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ đáp ứng yêu cầu hoạt động của một bảo tàng hạng II.
       Hệ thống trưng bày của bảo tàng gồm 2 phần: nội thất và ngoại thất. Phần nội thất trưng bày lịch sử xã hội tỉnh Nam Định theo biên niên từ thời kỳ tiền, sơ sử, đến hết thời kỳ cách mạng kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, trọng tâm là thời Lý - Trần. Bên cạnh đó còn có các trưng bày chuyên đề gồm: “Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt- Bản sắc và giá trị”; “Bản đồ và tư liệu Hoàng sa, Trường sa của Việt Nam- Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”; “Những kỷ vật đi cùng năm tháng”. Ngoài ra, Bảo tàng còn phối hợp với các tổ chức, cá nhân thường xuyên tổ chức các trưng bày chuyên đề, các hoạt động trình diễn di sản văn hóa phi vật thể, tạo ra các không gian văn hóa, đáp ứng nhu cầu tham quan thưởng thức các giá trị văn hóa của công chúng. Phần trưng bày ngoại thất được kết hợp sân vườn, cây xanh thảm cỏ với những hiện vật có kích thước, trọng lượng lớn gồm: các mảng kiến trúc cổ; các tượng vật linh; các hiện vật khảo cổ tham khảo; nhóm vũ khí, khí tài của quân đội tham gia chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Trong khuôn viên của bảo tàng còn có di tích Cột cờ là một trong các công trình quan trọng của Thành Nam triều Nguyễn.
       Ngoài lịch mở cửa tham quan thường trực phục vụ công chúng, Bảo tàng còn tổ chức chương trình giáo dục cho học sinh với các hoạt động tham quan, trải nghiệm phong phú, hàng năm đón từ 15 đến 20 nghìn lượt khách tham quan.
       Bảo tàng tỉnh Nam Định không chỉ là một thiết chế văn hóa quan trọng, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, tham quan học tập của công chúng về di sản văn hóa, góp phần giáo dục truyền thống anh dũng, kiên cường trong dựng nước và giữ nước của các thế hệ người Nam Định mà còn là một điểm nhấn trong kiến trúc của thành phố và là điểm đến hấp dẫn đối với du khách khi về Thành Nam.

Hiện vật bảo tàng

Hiện vật bảo tàng theo các thời kỳ

Trên mảnh đất Nam Định, dấu tích phản ánh sự xuất hiện của con người thuộc hậu kỳ đồ đá mới đến thời kỳ kim khí (Văn hóa Đông Sơn) được phát hiện tại các đồi núi thuộc hai huyện Vụ Bản và Ý Yên. Sống trong điều kiện của vùng cận núi, cận biển, nhiều sông lạch và đầm hồ đã tạo cho các cư dân ở đây một khả năng khai thác đa hướng, từ săn bắt, hái lượm đến nông nghiệp trồng lúa nước và chăn nuôi; từ nền kinh tế mang dáng dấp nguyên thuỷ với công cụ bằng đá là chủ yếu ở giai đoạn đầu đã phát triển thành một nền kinh tế ngày càng phong phú với công cụ kim loại. Cùng với quá trình phát triển kinh tế, con người từ rừng núi, vùng trung du đã tràn xuống chiếm lĩnh đồng bằng của sông Hồng, sông Đáy để tạo nên vùng đất Nam Định ngày một trù phú. Họ chính là lớp cư dân đầu tiên, để lai các công cụ sản xuất, sinh hoạt qua các sưu tập đồ đá, đồ gốm và đồ đồng phát hiện được ở các vùng đất cổ của Nam Định.

Nét bao trùm lịch sử thời kỳ Bắc thuộc trên mảnh đất Nam Định là những cuộc đấu tranh chống lại ách đô hộ và âm mưu đồng hoá của phong kiến ngoại bang. Dấu vết của thời kỳ oanh liệt này còn lưu lại trong tâm thức của người dân cùng hàng chục di tích thờ phụng các nhân vật tham gia khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, Lý Bí, Triệu Quang Phục chống lại chính quyền đô hộ phương Bắc, góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Phần trưng bày thời kỳ này giới thiệu một số hiện vật kiếu Hán, Đường phát hiện tại Nam Định và tấm bản đồ phân bố các di tích liên quan đến tướng thời Hai Bà Trưng ở Nam Định.

Là cửa ngõ phía nam của kinh thành Thăng Long, mảnh đất Nam Định có vai trò quan trọng trong chiến lược phòng thủ, xây dựng và phát triển đất nước thời Lý, thế kỷ 11 - 12. Tại đây, các vua nhà Lý đã cho xây dựng hành cung Ứng Phong, hành cung Hải Thanh cùng nhiều công trình Phật giáo, trong đó có tháp Chương Sơn còn gọi là tháp “Vạn Phong thành thiện”, trên đỉnh núi Ngô Xá, xã Yên Lợi, huyện Ý Yên. Tháp Chương Sơn được xây dựng từ năm 1108 đến năm 1117, dưới đời vua Lý Nhân Tông. Đầu thế kỷ 15, giặc Minh sang xâm lược nước ta, đã phá huỷ công trình kiến trúc này. Kết quả khai quật khảo cổ qua các năm 1966, 1967 và năm 2012 đã tìm ra chân móng tháp cổ cùng hàng trăm di vật đá, đất nung trong đó có 2 bảo vật quốc gia là: Tượng Phật Adi Đà, Tay vịn thành bậc và nhiều hiện vật cho đến nay chưa phát hiện được ở bất kỳ một di tích nào thời Lý. Phần trưng bày thời Lý ngoài các sưu tập đồ đá, đất nung khai quật tại phế tích tháp Chương Sơn còn sưu tập đồ gốm sinh hoạt phát hiện tại Nam Định.

Nam Định là quê hương, đất phát tích của vương triều Trần. Nhà Trần đóng đô ở Thăng Long nhưng ngay từ buổi đầu lên ngôi báu, vua Trần đã cho xây dựng đền đài, cung điện, dinh thự ở cố hương để phục vụ cho chế độ Thượng Hoàng. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Năm Kỷ Hợi, niên hiệu Thiên Ứng Chính Bình thứ 8 (1239), mùa xuân, tháng giêng, vua Trần Thái Tông sai Nhập nội Thái phó Phùng Tá Chu về hương Tức Mặc, xây dựng nhà cửa, cung điện… Đến năm Thiệu Long thứ 5 (1262), mùa xuân, tháng hai, Thượng hoàng ngự đến hành cung Tức Mặc ban tiệc lớn… Đổi hương Tức Mặc làm phủ Thiên Trường, cung gọi là Trùng Quang. Lại xây riêng một khu cung khác cho vua nối ngôi ngự khi về chầu, gọi là cung Trùng Hoa. Lại làm chùa ở phía tây cung Trùng Quang gọi là chùa Phổ Minh”. Tức Mặc - Thiên Trường trở thành một trung tâm chính trị, văn hóa lớn, có vị thế như kinh đô thứ hai sau kinh đô Thăng Long và là căn cứ địa quan trọng trong cuộc kháng chiến chống xâm lược Mông - Nguyên của Đại Việt ở thế kỷ 13 -14. Hơn 700 năm qua, những công trình kiến trúc nguy nga không còn nhưng di sản văn hóa mà nhà Trần để lại trên mảnh đất Nam Định vẫn luôn được gìn giữ và khẳng định sức sống trường tồn, mãnh liệt. Phần trưng bày thời Trần tập trung vào 3 chủ đề: Nam Định - quê hương, đất dấy nghiệp nhà Trần; Quy mô, cấu trúc Hành cung Thiên trường; Các bộ sưu tập hiện vật tiêu biểu thời Trần phát hiện tại Nam Định.

Từ thế kỷ 15, tuy không còn là hành cung của vương triều cầm quyền, một trong hai trung tâm đầu não chính trị của đất nước nhưng vùng đất Thiên Trường/ Sơn Nam/ Sơn Nam Hạ với lợi thế về sông biển, đất đai, con người vẫn giữ vai trò quan trọng đối với các nhà nước phong kiến từ Lê sơ đến Lê - Trịnh. Thế kỷ 16 - 17, đất nước xảy ra những cuộc nội chiến liên miên của những tập đoàn phong kiến lớn (nhà Trịnh, nhà Mạc ở miền Bắc; nhà Trịnh và chúa Nguyễn ở phía Nam). Hệ tư tưởng Nho giáo ban đầu được triều Lê sơ đề cao, sử dụng để xây dựng và quản lý đất nước lâm vào khủng hoảng, triều đình suy yếu. Cùng với Phật giáo, Đạo giáo đã có sự phát triển lâu đời thì các tín ngưỡng dân gian khác như: tín ngưỡng thờ Thành hoàng, tín ngưỡng thờ Đức thánh Trần, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ ra đời giữ vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người Việt (Nam Định là trung tâm của cả tín ngưỡng thờ thánh Cha và thánh Mẹ). Trong thời kỳ này, tại vùng đất Nam Định, nhiều đền, chùa, đình, phủ được trùng tu hoặc xây dựng mới như đền Trần, chùa Phổ Minh (TP.Nam Định), chùa Keo ( Xuân Trường), chùa Cự Trữ, chùa Cổ Chất (Trực Ninh), đình Xám (Nam Trực), đình Hưng Lộc (Nghĩa Hưng), đình Cao Đài (Mỹ Lộc), phủ Dầy (Vụ Bản)… Phần trưng bày giới thiệu các bộ sưu tập hiện vật là những đồ dùng sinh hoạt, đồ thờ hay các mảng chạm trang trí kiến trúc được tạo tác bằng các chất liệu gốm, đồng, gỗ... Tiêu biểu là bộ sưu tập chân đèn gốm Bát Tràng thời Mạc; Sưu tập tượng nghê thế kỷ 17 - 18; Bên cạnh đó bảo tàng còn giới thiệu một số hình ảnh, hiện vật về ngôi mộ hợp chất thế kỷ 18, khai quật tại Thôn Vân Cát, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản năm 1968.

Đầu thế kỷ 19, triều Nguyễn thành lập, Sơn Nam Hạ vẫn là một trong những trọng trấn của cả nước. Năm 1822, trấn Sơn Nam Hạ đổi thành trấn Nam Định, năm 1831 thành tỉnh Nam Định, là một trong các điạ phương được triều đình nhà Nguyễn cho xây thành và dựng Cột cờ. Sách Đại Nam nhất thống chí cho biết: “Thành tỉnh Nam Định …ở địa phận hai xã Tức Mặc và Năng Tĩnh huyện Mỹ Lộc. Năm Gia Long thứ 3 (1804) đắp bằng đất, năm Minh Mệnh thứ 14 (1833) xây bằng gạch”. Trong khu vực nội và ngoại thành có các công trình kiến trúc tiêu biểu như Cột Cờ, điện Kính Thiên, Trường Thi, Dinh Tổng đốc, Dinh Đề đốc, Dinh Án sát, Kho lương… Sự xuất hiện hàng loạt các công trình dinh thự, công sở của nhà nước và sự mở rộng khu vực sinh sống, buôn bán của người dân đã làm thay đổi diện mạo và quy mô của tỉnh lỵ Nam Định, trở thành một trong những đô thị trọng điểm ở miền Bắc Việt Nam - đô thị Thành Nam. Nam Định bị thực dân Pháp đánh chiếm hai lần vào năm 1873 và năm 1883. Tuy vấp phải sự chống trả quyết liệt của quân dân Nam Định nhưng đến cuối thế kỷ 19, thực dân Pháp về căn bản đã hoàn thành công cuộc bình định và bắt đầu thực hiện các chính sách cai trị, khai thác thuộc địa của chúng. Thực dân Pháp cho bạt thành lấp hào, quy hoạch lại thành phố. Tận dụng nguồn nguyên liệu và nhân công rất dồi dào của nhiều làng nghề dệt thủ công truyền thống, thực dân Pháp đã đầu tư xây dựng tại Nam Định một trung tâm công nghiệp dệt lớn nhất cả nước. Đến năm 1941, Nam Định có Nhà máy Liên hiệp Dệt lớn nhất Đông Dương. Phần trưng bày tập trung vào 2 chủ đề: Thành Nam xưa (thời Nguyễn) với thành cổ, phố cổ, trường thi Hương; Đô thị Dệt Nam Định (thời Pháp thuộc). Ngoài ra, bảo tàng còn giới thiệu một số sưu tập đồ thờ bằng các chất liệu gỗ, gốm, đồng.

Nam Định là mảnh đất có truyền thống yêu nước và đấu tranh cách mạng, là một trong những cái nôi của phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân Việt Nam. Đây cũng là nơi hội tụ những người có tư tưởng cấp tiến, tâm huyết với vận mệnh dân tộc. Phần trưng bày Nam Định trong thời kỳ Cách mạng kháng chiến (1925 - 1975) tập trung vào 3 chủ đề: Đảng bộ Nam Định ra đời lãnh đạo nhân dân giành chính quyền (1930 - 1945): Tiếp nhận sự truyền bá của chủ nghĩa Mác - Lê nin thông qua hoạt động của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (từ năm 1926 - 1927), sự lãnh đạo của Đông Dương Cộng sản Đảng (từ tháng 6/1929), Đảng Cộng sản Việt Nam (từ tháng 2/1930), phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Nam Định cùng với nhân dân cả nước đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Từ ngày 17/8 - 22/8/1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ và Mặt trận Việt Minh, nhân dân Nam Định đã nhất tề nổi dậy đập tan bộ máy thống trị của đế quốc, phong kiến, thiết lập chính quyền cách mạng của nhân dân. Nam Định kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954): Nghe theo “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” (ngày 19/12/1946) của Chủ tịch Hồ Chí Minh và “Chỉ thị toàn dân kháng chiến” (tháng 12/1946) của Trung ương Đảng, cùng với cả nước, quân dân Nam Định vững vàng bước vào cuộc thử lửa với ý chí sắt đá và niềm tin chiến thắng. Xây dựng các làng kháng chiến, xây dựng lực lượng ba thứ quân (gồm bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích ), phát triển chiến tranh du kích, quân dân Nam Định đã thành công trong việc tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, kiềm chế, giam chân địch ở đồng bằng, tạo điều kiện tác chiến thuận lợi cho quân và dân ta ở chiến trường chính. Nam Định kháng chiến chống đế quốc Mỹ (1954 - 1975): Là một trong ba trung tâm công nghiệp của miền Bắc, Nam Định nhanh chóng trở thành trọng điểm đánh phá ác liệt của không quân Mỹ. Trong bối cảnh đó, để đảm bảo thắng lợi cho cuộc chiến đấu lâu dài, đầy gian khổ, hy sinh, Nam Định tập trung xây dựng lực lượng, sẵn sàng chiến đấu, đồng thời phát triển toàn diện các mặt kinh tế - xã hội để góp phần cùng miền Bắc vừa chiến đấu giỏi vừa là hậu phương vững chắc của tiền tuyến lớn miền Nam. Phần trưng bày thời kỳ này giới thiệu về sự tàn phá của bom Mỹ từ năm 1965 - 1972; tinh thần quyết tâm vừa sản xuất vừa chiến đấu và những đóng góp của đảng bộ, chính quyền, nhân dân Nam Định trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Ảnh ngoại thất bên ngoài bảo tàng

© 2018 Bản quyền thuộc Bảo tàng tỉnh Nam Định