Nam Định thời Trần
Nam Định là quê hương, đất phát tích của vương triều Trần. Nhà Trần đóng đô ở Thăng Long nhưng ngay từ buổi đầu lên ngôi báu, vua Trần đã cho xây dựng đền đài, cung điện, dinh thự ở cố hương để phục vụ cho chế độ Thượng Hoàng. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Năm Kỷ Hợi, niên hiệu Thiên Ứng Chính Bình thứ 8 (1239), mùa xuân, tháng giêng, vua Trần Thái Tông sai Nhập nội Thái phó Phùng Tá Chu về hương Tức Mặc, xây dựng nhà cửa, cung điện… Đến năm Thiệu Long thứ 5 (1262), mùa xuân, tháng hai, Thượng hoàng ngự đến hành cung Tức Mặc ban tiệc lớn… Đổi hương Tức Mặc làm phủ Thiên Trường, cung gọi là Trùng Quang. Lại xây riêng một khu cung khác cho vua nối ngôi ngự khi về chầu, gọi là cung Trùng Hoa. Lại làm chùa ở phía tây cung Trùng Quang gọi là chùa Phổ Minh”. Tức Mặc - Thiên Trường trở thành một trung tâm chính trị, văn hóa lớn, có vị thế như kinh đô thứ hai sau kinh đô Thăng Long và là căn cứ địa quan trọng trong cuộc kháng chiến chống xâm lược Mông - Nguyên của Đại Việt ở thế kỷ 13 -14. Hơn 700 năm qua, những công trình kiến trúc nguy nga không còn nhưng di sản văn hóa mà nhà Trần để lại trên mảnh đất Nam Định vẫn luôn được gìn giữ và khẳng định sức sống trường tồn, mãnh liệt. Phần trưng bày thời Trần tập trung vào 3 chủ đề: Nam Định - quê hương, đất dấy nghiệp nhà Trần; Quy mô, cấu trúc Hành cung Thiên trường; Các bộ sưu tập hiện vật tiêu biểu thời Trần phát hiện tại Nam Định.