Nam Định thời kỳ Tiền sơ sử
Trên mảnh đất Nam Định, dấu tích phản ánh sự xuất hiện của con người thuộc hậu kỳ đồ đá mới đến thời kỳ kim khí (Văn hóa Đông Sơn) được phát hiện tại các đồi núi thuộc hai huyện Vụ Bản và Ý Yên. Sống trong điều kiện của vùng cận núi, cận biển, nhiều sông lạch và đầm hồ đã tạo cho các cư dân ở đây một khả năng khai thác đa hướng, từ săn bắt, hái lượm đến nông nghiệp trồng lúa nước và chăn nuôi; từ nền kinh tế mang dáng dấp nguyên thuỷ với công cụ bằng đá là chủ yếu ở giai đoạn đầu đã phát triển thành một nền kinh tế ngày càng phong phú với công cụ kim loại. Cùng với quá trình phát triển kinh tế, con người từ rừng núi, vùng trung du đã tràn xuống chiếm lĩnh đồng bằng của sông Hồng, sông Đáy để tạo nên vùng đất Nam Định ngày một trù phú. Họ chính là lớp cư dân đầu tiên, để lai các công cụ sản xuất, sinh hoạt qua các sưu tập đồ đá, đồ gốm và đồ đồng phát hiện được ở các vùng đất cổ của Nam Định.